“Khi làm những công việc nhàm chán như nghe một cuộc nói chuyện qua điện thoại, người ta rất dễ buồn ngủ, thậm chí ngủ quên.
Một nhóm chuyên gia của Anh vừa nhận ra rằng, những người vẽ linh tinh trong khi nghe một đoạn tin nhắn có khả năng nhớ và nhắc lại được nhiều thông tin hơn đến 29% sơ với những người không vẽ.
GS Jackie Andrade, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ khoa tâm lý, ĐH Plymouth, Anh quốc, cho biết: “Khi làm những công việc nhàm chán như nghe một cuộc nói chuyện qua điện thoại, người ta rất dễ buồn ngủ, thậm chí ngủ quên. Trạng thái này làm bạn mất tập trung vào nội dung cần nghe. Nhưng chỉ một động tác nhỏ, như vẽ linh tinh chẳng hạn, cũng đủ sức làm tan đi cơn mơ ngủ mà không ảnh hưởng gì đến hoạt động chính là nghe và ghi nhớ nội dung”.
Họ tiến hành một thí nghiệm nhỏ, khi cho những người tham gia nghiên cứu nghe một đoạn băng ghi âm nêu vài cái tên và địa điểm. Các chuyên gia yêu cầu họ chỉ ghi lại một vài cái tên theo một đặc điểm nhất định.
Trong khi nghe, một nửa số người được yêu cầu vẽ những hình ảnh ngẫu nhiên, tùy theo ý thích trên một mẩu giấy. Còn nửa kia chỉ việc tập trung vào đoạn băng.
Khi kết thúc bài nghe, các chuyên gia yêu cầu mỗi người kể ra 8 tên người và địa điểm được nói đến trong đoạn băng. Những người được yêu cầu vẽ linh tinh trong khi nghe kể được trung bình 7,5 tên người và địa điểm, trong khi những người chỉ ngồi tập trung nghe chỉ kể được trung bình 5,8 tên người cũng như địa điểm.
GS Andrade giải thích: “Trong tâm lý học, những bài kiểm tra trí nhớ hoặc sự tập trung thường được kết hợp với một hoạt động thứ hai, nhằm ngăn cản quá trình ghi nhớ. Nếu công việc phụ đó đóng vai trò quan trọng đối với việc nhận thức, thì những người thực hiện sẽ thiếu tập trung vào công việc chính cần thực hiện”.
“Nghiên cứu của chúng tôi nhằm chỉ ra tác dụng của công việc phụ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình nhận thức, như vẽ linh tinh chẳng hạn, trong khi đang tập trung cao độ. Những việc làm không khiến người ta bận tâm nhiều, mà chỉ hành động theo bản năng, sẽ trợ giúp khả năng nhận thức và ghi nhớ của não”.